Với cử tri Hoa Kỳ, đảng Cộng Hòa là đảng chủ trương nước Mỹ phải có một quân đội hùng mạnh, tức bất kỳ ở trong tình huống nào cũng phải tăng ngân sách quốc phòng.
Với các ông bà ứng cử viên Cộng Hòa đang nuôi mộng trở thành nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, sôi động ở Trung Đông, sự kiện khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ISIS bành trướng ở Iraq và Syria, thái độ ngang ngược của Nga và Trung Quốc v.v… đòi hỏi quân đội Mỹ phải có đủ khả năng để góp mặt ở nhiều trận tuyến khác nhau để chứng tỏ vai trò của một cường quốc quân sự “luôn luôn sẵn sàng tham gia mọi hoạt động xây dựng ổn định, bảo vệ hòa bình cho thế giới”. Họ chỉ không đồng ý với nhau hai điều: thứ nhất, chính phủ cần bao nhiêu tiền cho ngân sách quốc phòng, và thứ nhì, tăng cường ngân sách quốc phòng để làm gì.
Tranh cãi xảy ra trong hàng ngũ chính trị gia Cộng Hòa từ hồi 2010, giữa những người chủ trương tăng ngân sách quốc phòng và khối dân cử Tea Party chủ trương phải cắt giảm chi tiêu, giữa những người cảm thấy mệt mỏi vì khoản tiền khổng lồ mà Hoa Kỳ bỏ vào hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan, với những người lo âu thế giới sẽ tăng biến động nếu không có sự hiện diện của quân đội Mỹ. Tranh cãi này cũng xảy ra hồi cuối tháng trước, ngay sau khi Tổng Thống Barack Obama loan báo quyết định đưa 50 binh sĩ sang Syria giúp huấn luyện, yểm trợ và cố vấn cho các lực lượng dân quân thân Hoa Kỳ, khiến mọi người lo âu có thể nước Mỹ sẽ can dự vào một cuộc chiến mới trong lúc chưa thật sự giải quyết xong 2 cuộc chiến cũ là Iraq và Afghanistan.
Tranh cãi cũng diễn ra trước diễn đàn Thượng Viện và vào tối thứ Ba tuần trước ở cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Cộng Hòa tổ chức tại
Lập tức, phát biểu của ông Cruz bị Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham của tiểu bang
Tại cuộc tranh luận ở Wisconsin, Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio cho rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama “ngân sách quốc phòng bị cắt giảm đến mức không thể ngờ, dẫn đến việc quân số phải cắt bớt trong khi binh sĩ Hoa Kỳ phải đối đầu với nhiều thử thách đang xảy ra khắp nơi”, trước khi đưa ra lời cam kết nếu được cử tri chọn để lãnh đạo quốc gia, một trong việc đầu tiên ông sẽ làm là “tăng ngân sách để thực hiện chương trình hiện đại hóa quân sự”.
Ngân sách quốc phòng và vai trò của quân đội Mỹ cũng được nói đến trong những buổi gặp gỡ với cử tri hay qua các cuộc phỏng vấn dành cho giới truyền thông. Ngay trong bài diễn văn loan báo tranh cử đọc hồi tháng Sáu tại tiểu bang nhà, ông Cựu Thống Đốc Florida Jeb Bush dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích chính sách quốc phòng của Tổng Thống Obama, gọi đó là chính sách quân sự đẩy nước Mỹ “tới chỗ nguy hiểm”, binh sĩ Hoa Kỳ “không thể làm tròn nhiệm vụ được trao phó”. Trong bài diễn văn đó, ông Jeb Bush cho rằng “chúng ta phải tăng ngân sách quốc phòng để thực hiện trách nhiệm với thế giới ngay trong lúc này và hiện đại hóa quân sự cho những trách nhiệm phải gánh vác ở tương lai”.
Mới sáng thứ Bảy vừa rồi tại Đại Hội Cộng Hòa Miền Nam tổ chức ở Orlando, Florida, một ứng cử viên chẳng mấy ai để ý tới là ông Cựu Thống Đốc Jim Gilmore mở đầu bài nói chuyện bằng lời chỉ trích “chính sách quân sự yếu ớt của Tổng Thống Obama đã tạo cơ hội cho Nga gây rối ở Đông Âu, ISIS tung hoành ở Trung Đông, Trung Quốc lộng hành ở Biển Đông”. Cử tọa cùng nhau đứng dậy vỗ tay reo hò khi nghe ông Cựu Thống Đốc Virginia nói câu “chỉ vì chính sách yếu ớt này mà những nước khác có cơ hội khiêu khích nước Mỹ, đã tới lúc chúng ta cần một vị Tổng Thống Cộng Hòa để thế giới biết quân đội chúng ta hùng mạnh như thế nào, để Nga và Trung Quốc biết là họ không được phép coi thường chúng ta”.
Với ứng cử viên Ben Carson, điều khiến ông lo âu về ngân sách quốc phòng là “nước Mỹ cắt giảm quá nhiều”, ví von đúng với nghề nghiệp của một bác sĩ “cắt tới bắp thịt, cắt tới tận xương”, khiến Hoa Kỳ “phải ở trong thế thụ động giữa lúc tình hình thế giới biến chuyển không thể lường trước được”. Trong một cuộc thảo luận với cử tri, ông Carson nhấn mạnh “quân đội Hoa Kỳ phải có đủ khả năng để cùng một lúc đối phó với 3 mặt trận”, nếu không làm được điều này “chúng ta sẽ phải đương đầu với nguy hiểm ngay trước cửa nhà”.
Rõ ràng nhất về chính sách quốc phòng là bà Carly Fiorina, người phụ nữ duy nhất đứng chung trong hàng ngũ ứng cử viên với các ông Cộng Hòa. Trong một cuộc tranh luận, bà nói rõ “chúng ta phải có quân đội hùng mạnh nhất thế giới và phải phô trương sức mạnh này cho thế giới thấy”. Sức mạnh quân sự đó “bao gồm 50 trung đoàn bộ binh, 36 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến, phải có từ 300 đến 500 chiến hạm cho hải quân, tất cả võ khí nguyên tử phải nâng cấp, trở thành hiện đại nhất thế giới”. Bà còn nói nếu trở thành tổng thống, “tôi sẽ đưa thêm quân sang Âu Châu để ngăn cản ông Vladimir Putin” nhưng ngừng lại, không cho biết có mở trận chiến chống lại ý đồ bành trướng quân sự của Liên Bang Nga hay không. Cũng phải nói thêm: nếu thực hiện, chính sách quốc phòng của bà Fiorina sẽ tốn thêm 500 tỷ dollars, riêng bộ binh sẽ có thêm 100,000 quân, chi phí mỗi năm ít nhất phải là 10 tỷ bạc.
Bà Fiorina trình bày chính sách quốc phòng rõ rệt chừng nào, kế hoạch quốc phòng của ông tỷ phú Donald Trump càng khó hiểu chừng nấy. Theo ông Trump, “những nước khác đều hơn chúng ta về kinh tế lẫn quân sự”, do đó “quân đội chúng ta phải có nhiều quân hơn, mạnh hơn, để không nước nào dám đùa với nước Mỹ”. Nhưng ông tỷ phú Trump cũng nói “nước Mỹ không thể tiếp tục vai trò cảnh sát quốc tế, chúng ta cần tiền để giải quyết chuyện nội bộ”, thí dụ như “sửa chữa lại hệ thống giao thông đang vỡ tung thành từng mảnh khiến kinh tế không thể phát triển đúng với tiềm năng của quốc gia”.
Nguyễn Văn Khanh