Nếu chẳng may mà có anh ký giả Mỹ cắc cớ nào ở California này nghe danh Little Saigon là cái nôi của cộng đồng tị nạn chống Cộng đòi thăm trụ sở cộng đồng (Community Center) thì tôi không hiểu là cộng đồng nào ở đây sẽ đứng ra và dẫn họ đi tới đâu để chỉ cho biết “đây là Community Center của chúng tôi”. Không lẽ mượn một trong rất nhiều trung tâm cộng đồng của người Mễ tự lập ra ở Santa Ana hay Anaheim để bảo đó là trung tâm cộng đồng của cộng đồng của mình hay sao(?). Nếu quí vị bảo anh ký giả này là 38 năm qua chúng ta bận chống Cộng quá, lo xây đủ thứ tượng đài nên “quên” chưa thành lập được một trung tâm cộng đồng nào thì chắc là anh ta phục tinh thần chống cộng của chúng ta lắm(!), nhất là nếu quí vị tương thêm một câu nằm lòng mà bọn cán bộ các trại tù cải tao hay nói với chúng ta: “Thôi thì thuận lợi vẫn là cơ bản, khó khăn là tạm thời, vài thập niên nữa chúng tôi mời ông chống gậy trở lại thăm trung tâm cộng đồng rất hoành tráng của chúng tôi”.
Đặt vấn đề này, tôi muốn nói rằng trong 38 năm qua chúng ta chỉ lo hô hào giải thể chế độ Cộng sản, đòi lại tên Saigon, đòi lại nghĩa trang quân đội, đòi lại đủ thứ, nhưng chưa hề đòi được hy sinh gì cả. Rồi mỗi năm cứ đến “mùa” lại hẹn nhau dưới chân tượng đài than khóc, hết Quốc Hận lại đến Tháng Tư Đen, rồi sau một vài buổi lễ lại chỉ trỏ người này là tay sai, người kia đang thi hành nghị quyết 36. Kể từ khi Nguyễn Minh Triết sang ở Dana Point đến nay chưa có nhà lãnh đạo Cộng sản nào của Việt Nam mon men đến gần Little Saigon khiến cho nhiều ông bà lãnh tụ chống Cộng không có công việc làm và khi họ không có công việc gì để làm thì những ai bị ghi trong sổ đen “tay sai” cần phải coi chừng !
Cá nhân, tôi cho rằng tưởng niệm ngày 30-4 năm nào cũng giống nhau trong đó những đĩa hát mà người ta biết biết chúng đã rè nhưng vẫn cứ phải đưa vào máy là vì ông bà nào cũng chỉ mạnh miệng đổ tội “cưỡng chiếm” miền hay lên án Tổng Thống Dương Văn Minh “dâng” miền Nam Việt Nam cho Cộng sản. Năm nay, những chuyên viên chống Cộng bằng mồm có thêm một mục mới, đó là chỉ trích thậm chí đả kích việc tổ chức VAF đứng ra xin được phép trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa nay là Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An, nào là “Nguyễn Đạc Thành âm mưu với bọn Cộng sản đổi tên Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa”, nào là “bọn Việt Cộng đã cắt đất để mở đường cắt ngang nghĩa trang” và họ dõng dạc đòi tổ chức VAF phải tạo sức ép buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải phục hồi nghĩa trang quân đội như xưa! Nghe mà phục đến xanh xám mặt mày ! Sao không “tới” luôn đòi ông Nguyễn Đạc Thành phải vận động đầu tư mua máy bay, súng đạn đổ bộ Tân Sơn Nhất, trong đánh ra ngoài đánh vào, tái chiếm VNCH để thay tên thành phố Hồ Chí Minh bằng tên Saigon lại, đổi Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An trở lại thành Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa?
Đến nước này thì dường như dư luận người Việt thầm lặng ở Mỹ không đè nén được sự tức giận nữa. Và trên các e-mail qua lại, tôi đọc được một điện thư ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, xin trích:
“Này các ông ơi, chúng mình đừng thèm đòi hỏi gì nữa vô ích. Tôi đề nghị toàn thể cộng đồng hơn một triệu rưỡi người ở Mỹ và một con số tương đương ở các quốc gia khác đồng lòng bỏ hết nhà, xe, công ăn việc làm, trợ cấp của chính phủ, medicare, medicaid, housing kéo nhau nhau về Việt Nam đòi lại VNCH có phải ngon hơn không nào. Đi chứ bà con ta? Đừng sợ, bọn chúng nó bắt 3 triệu người thì không có chỗ nhốt đâu !”
Tôi “reply” thư này, dù biết tác giả của nó “đùa dai”:
“Ai đi thì đi, nhưng tôi không đi vì già yếu, lạnh cẳng quá rồi. Có điều tôi nói thẳng là đừng có ngây thơ nghĩ rằng Hà Nội nó không dám nhốt 3 triệu người hải ngoại đâu nhé. Không thấy họ đang nhốt trên 80 triệu người trong cái lồng vĩ đại Việt Nam đó sao”.
Đã từ khá lâu, tôi không còn thấy bóng dáng Tháng Tư Đen ở đây nữa dù Tháng Tư của 38 năm trước hàng năm vẫn cứ được nhắc nhở với các bài viết chỉ đọc đoạn mở đầu thì ta biết ngay đoạn kết nói gì. Trong khi nạn nhân của Tháng Tư Đen ngày nay đã thừa ổn định và rất nhiều người giầu có, con cái đã lớn đã thành danh, có gia đình 5 người con đều là bác sĩ, nha sĩ, còn bố mẹ thì nay du lịch Nam Mỹ, mai du lịch Âu châu sau khi đã chán về Việt Nam hàng hai ba tháng. Ấy vậy mà khi có người đề nghị bỏ Tháng Tư Đen đi thì giãy nảy: “Chớ ! chớ! Bao nhiêu người còn khổ vì ngày nay sau khi Dương Văn Minh dâng miền Nam cho Cộng sản làm hàng triệu người chết trên biển, trong rừng sâu Cambodia”.
Cá nhân, tôi nghĩ đổi tên Tháng Tư Đen thành Tháng Tư gì đó không bao giờ trở thành big deal với tôi, vì Tháng Tư dù Đen, Đỏ, Vàng, Trắng vẫn là Tháng Tư mất nước, Tháng Tư bỏ chạy, Tháng Tư đầu hàng không thể hiểu khác đi được. Cho nên, càng duy trì nhóm chữ này càng lâu, người Việt hải ngoại lại càng nghĩ đến một câu hỏi đáng sợ:
“Mất miền Nam Việt Nam khiến hàng toàn dân từ Vĩ tuyến 17 đến Mũi Cà Mâu lâm vào cảnh khổ của ách Cộng sản, bao nhiêu lính tráng, công chức, thành viên đảng phái, dân, doanh gia, viên chức chính phủ bị đẩy vào nhà tù Cộng sản mười mấy năm, hết cả đời, có nhiều người chết trong tù, Saigon bị đổi tên, dân chúng Việt Nam phải sống trong cái cũi vĩ đại trên chính quê hương mình như thế mà 38 năm qua không có ai dám can đảm đứng ra chịu trách nhiệm. Họ còn không dám viết hồi ký xác nhận mình đã làm gì để góp phần vào sự sụp đổ nhanh chóng của Miền Nam Việt Nam thì nay buộc họ phải viết chứ? Không thể chấp nhận được tình trạng ăn xuống trong xả rác đầy nhà, rồi đổ hết tội cho anh chàng hốt đống rác đem đi đổ được. Vậy mà sao vẫn có người mụ mị đến nỗi người ta viết đề cập đến sự thật đen đúa, bê bối của bên thắng cuộc mà lại lồng lộn lên phản đối, ngon thì viết về bên thua cuộc để thú nhận những bê bối dẫn đến cảnh thua trận xem nào...”
Tôi trích dẫn một đoạn e-mail mà độc giả gởi cho tôi bày tỏ sự giận dữ về điều mà ông gọi là “âm mưu của những kẻ đào ngũ đổ tội cho Dương Văn Minh nhằm khỏa lấp trách nhiệm bỏ lại đất nước nghiêng ngửa để lo cho bản thân và gia đình mình”. Gió đã xoay chiều rồi! Trong 38 năm qua, năm nào người ta cũng chỉ nói đến cái ngọn của Tháng Tư Đen mà không nói đến cái gốc của thời điểm này, người ta chỉ nói đến căn nhà VNCH sụp đổ do một người mới ngồi vào ghế lãnh đạo có một ngày rưỡi trong hoàn cảnh tang gia bối rối mà không thể giải thích được tại sao lại như thế.
Tuy nhiên có một thực tế không thể xoay chuyển được: Khi tôi mua một căn nhà nếu cột, kèo, rui, mè, nền móng đều tốt thì không thể chỉ dọn vào căn nhà ấy có một ngày rưỡi mà sụp đổ được. Nó chỉ sụp đổ được nếu những người chủ trước bê bối không săn sóc để mối mọt đục rỗng tất cả nên khi người chủ mới vừa mới dọn vào chưa kịp làm gì thì nó đã sụm xuống. Cho nên không thể đổ lỗi cho người chủ mới là đã làm căn nhà sụp đổ. Chuyện này một đứa trẻ học trung học cũng thừa sức hiểu được. Vậy mà một số chính trị gia, những nhà hoạt động, giới viết lách hễ nói đến trách nhiệm thì cứ khỏa lấp bằng câu “dĩ hòa vi quí”, sợ nói ra mất lòng, gây chia rẽ cộng đồng. Dĩ hòa vi quí thì cũng được đi, nhưng đừng có dùng cái lối đổ tội cho người khác để khỏa lấp tội của mình, vì đó là thái độ hèn hạ, tự mình đánh mất nhân cách và sự chính trực của chính mình! Cách dĩ hòa vi quí tốt nhất là ngậm miệng đừng nói gì cả !
Bao nhiêu lâu nay, người ta đốt đuốc đi tìm minh chủ trong đống cho tàn của thất bại, nào là Ngô Tổng Thống anh minh, nào là Nguyễn Văn Thiệu, người xứng đáng là nhà lãnh đạo không ai thay thế được và đòi phục hồi danh dự cho ông. Tôi nghĩ bụng: “Ông ấy có danh dự đếch đâu mà đòi phục hồi. Lẽ ra ông ta phải ở lại với quân đội, giúp ý kiến những người đứng ra nhận trách nhiệm thay thế ông ta, cho đến lúc Việt Cộng húc đổ Dinh Độc Lập. Nếu ông biết hiên ngang nói với tên Bùi Tùng như thế này: Các anh đã thắng, bắt được tôi, muốn làm gì tôi thì làm nhưng các thuộc cấp của tôi không có trách nhiệm gì vì họ chỉ thi hành lệnh của tôi. Chỉ cần ông Nguyễn Văn Thiệu hành động như vậy, chẳng cần ai phải đốt đuốc đi tìm, toàn dân miền Nam Việt Nam cũng tự động tôn ông là thánh”.
Hồi năm ngoái khi người ta ồn ào tổ chức Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, nhiều người đã thẳng thừng đưa ra ý kiến: “Đổi Ngày Quốc Hận 30-4 thành Ngày Truy Điệu các Tướng Tuẫn Tiết”. Nhưng ý kiến này lập tức bị dập tắt ngay. Tôi hiểu lý do tại sao người ta lại không muốn chấp nhận ý kiến nói trên, bởi vì tuẫn tiết là ý thức cao độ của bất khuất và tinh thần trách nhiệm trong khi di tản chỉ là cách nói khác đi của chạy làng, đào ngũ và nêu cao ý thức vị kỷ và phá vỡ tinh thần đồng đội, huynh đệ chi binh, đồng lao cộng khổ.
Ngày 30-4 mà nói chuyện này thì không nên. Tôi cũng nghĩ như vậy trong 20 năm nay. Nhưng vì càng ngày những phán đoán bất công của một nhóm âm binh của chế độ độc tài từng bị Tướng Dương Văn Minh đứng lên lật đổ cho nên tôi phải viết thẳng thừng như thế này: Hãy chấm dứt mưu toan sửa chữa lại dữ kiện lịch sử đi, vì không ai có thể làm điều đó đâu. Hơn nữa, càng đổ lỗi cho người không có tội gì trong biến cố 30-4 thì lỗi của những người thiếu trách nhiệm, hèn nhát, đào ngũ trước địch quân lãi càng hiện lên rõ nét. Vả lại nên nhớ một điều phim ảnh thời sự trong nước hay nước ngoài ghi nhận những sự kiện lịch sử này kỹ lắm đấy, không xóa được đâu. Dĩ hòa vi quí, được lắm, ai mà chẳng muốn vậy. Nhưng có cái kẹt là dĩ hòa vi quí đôi khi là thái độ khuyến khích người ta làm bậy, rồi đổ cho người lương thiện không muốn tranh cãi. Cho nên, cũng không thiếu trường không thể dĩ hòa vi quí mà phải trắng đen phân minh để cho cộng đồng sống hòa bình, sống tử tế và tôn trọng lẫn nhau. Điều này cần thiết hơn chuyện chỉ vỗ ngực biểu diễn lập trường chống Cộng hay chỉ than khóc quốc hận có một buổi sáng ở tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ để buổi tối lại vui như tết trong các trà đình tửu quán.
Vũ Ánh