Cuốn sách này được viết ra để thay mặt cho các bé thơ vô tội (những thiên thần thực sự) bị bọn buôn người đày đọa, không nói lên được tiếng nói uất hận trong các địa ngục trần gian.
“Xin hãy cứu những nạn nhân của buôn người bất cứ lúc nào quý vị có thể giúp. Nếu quý vị không cứu giúp thì chúng tôi, những nạn nhân, sẽ chết dưới tay của bọn tội phạm buôn người. Tôi nói như vậy bởi tôi đã chết từ lúc đặt chân lên đất Cam Bốt. Sina Vann đứng trước quý vị bây giờ là Sina Vann lớn lên trong bạo hành, hận thù và đau đớn. Sina còn tranh đấu được vì Sina được tiếp thêm sức mạnh để đến với những kẻ bị hành hạ đau khổ như mình trước kia”.
Sina Vann - Nguyễn Thị Bích
(Trích)
Thiên thần trong địa ngục
“Thiên thần không có một thứ triết lý nào cả
ngoài tình yêu thương”
Adeline Cullen Ray
Sina Vann, cũng mới 13 tuổi khi bị người ta giết chết tuổi thơ.
Đứng trước các sinh viên tại trường Đại Học George Washington University ở Washington D.C. vào tháng 10 năm 2009 trong một buổi hội thảo về tệ nạn buôn bán người ở Nam Á và Đông Nam Á để nói chuyện, em kể lại hoàn cảnh thương tâm của mình. Sina kể bằng tiếng Khmer thông qua một người phiên dịch trong hội thảo.
***
Đó là lúc mẹ của cô bé không muốn em ở với bà. Đang buồn giận gia đình, một người bạn giới thiệu em gặp một người tên bà Hai, bà rủ em đi Cam Bốt. Khi đó em chỉ nghĩ rằng mình đi du lịch. Thế nhưng:
“Khi đặt chân lên đất Cam Bốt. Tuổi thơ của tôi đã chấm dứt”.
Và cơn ác mộng bắt đầu.
Họ thuốc cho em ngủ mê rồi đem bán vào nhà thổ. Đứa bé mới 13 tuổi đầu tỉnh dậy với một ông to lớn đang đè lên người và một cái giường đầy máu.
“Tôi bị nhốt hai ngày trong một căn phòng. Tôi đã nằm dưới gậm giường và khóc. Tôi tự hỏi mình đang ở đâu, họ đã làm gì mình?”
Sau đó hai người đàn ông đã tới đánh em, bắt em uống một thứ nước kích thích, sau đó thì em bị hôn mê và liên tục bị đánh đập, hành hạ.
“Họ thường tưới nước lên người tôi rồi dí điện vào. Họ không xem tôi là con người. Rất nhiều nhà chứa có hầm để nhốt những bé gái không chịu tiếp khách. Nhiều em bị trói chân tay la khóc thảm thiết dưới những cái hầm này... nhiều em cũng đã chết trong những cái hầm như thế! Rất lạnh lẽo và kinh hãi!”
Suốt hơn hai năm bị ép làm nô lệ tình dục ở một nhà chứa Cam Bốt, Sina thường xuyên bị ép uống thuốc kích thích, bị ép học những câu tục tĩu để chào mời khách, bị ép phải cười với khách. Bị buộc phải tiếp đủ loại người, có những hôm lên tới 20 đến 30 khách một ngày, nếu không muốn bị đánh đập và tra tấn dã man như dí điện 220-volt vào người cho đến khi bất tỉnh.
Nếu không chịu tiếp khách, chúng đánh đập, dí điện, rồi khóa em vào một cái quan tài gỗ cho kiến lửa cắn suốt mấy ngày. Chiếc quan tài tối đen và ngộp thở, chật chội đến nỗi em không thể dùng tay để xua những con kiến đang cắn đốt mình. Nhờ những giọt nước mắt đã xua đi lũ kiến khi chúng muốn bò vào mắt Sina.
Em phải sống trong những nhà chứa, bị cưỡng hiếp, đánh đập như thế trong suốt ba năm cho tới khi được một phụ nữ tên Abisit trong tổ chức Angka cứu thoát, nhưng sau đó bị bắt trở lại nhà chứa bởi chính cảnh sát tham nhũng.
Khi được Somaly Mam đi cùng cảnh sát cứu ra một lần nữa, Sina còn chưa tin đó là sự thật. Mắt em gần như bị mù lúc được nhìn thấy ánh sáng mặt trời sau những tháng ngày bị nhốt trong nhà thổ tăm tối. Em nói:
“Em thấy đời em được tràn trề hy vọng”.
Sina Vann được đưa về trung tâm AFESIP để hồi phục những chấn thương tâm lý. Thật ra em muốn quên đi ký ức đau buồn này, nhưng đó là điều không thể được. Những gì mà em đã trải qua thật là quá sức chịu đựng. Em vẫn còn những cơn ác mộng và những giọt nước mắt đau đớn khi nhớ lại quãng thời gian bị hành hạ trong nhà thổ.
Nhưng em vẫn muốn kể cho cả thế giới biết câu chuyện của mình - cho những ai chưa biết là có những vụ buôn trẻ em làm nô lệ tình dục đang xảy ra trên đời này, cho những ai muốn chấm dứt nó đi - bởi nhiều nạn nhân còn đang bị nhốt trong các nhà thổ, bởi những nạn nhân đã được giải thoát đang vươn lên từ bóng tối và cần sự khuyến khích để làm lại cuộc đời. Em nói ký ức đó là một vết thương không thể nào lành được. Nhưng giờ đây em đã được tái sinh và biến đau thương bằng hành động cứu giúp những nạn nhân khác.
Khi làm việc cho tổ chức AFESIP, đứng đầu chương trình “Voices for Change”, em đại diện cho những bé gái nạn nhân nô lệ tình dục không nói lên được tiếng nói của mình. Em thường giả làm nhân viên y tế chính phủ đến các nhà thổ để phân phát bao cao su và dạy họ cách phòng bệnh, rồi bí mật tiếp xúc với các nạn nhân.
Sina nói em sống trong nỗi căm giận những tên chủ chứa, và chính nỗi đau đó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho em để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
“Khi tôi đi tới những nhà chứa đó tôi có sức mạnh tinh thần rất cao. Mỗi khi tôi cứu được một nạn nhân, tôi cảm thấy tôi đã giết được một người đã làm hại nó. Những gì mà tôi làm tôi cảm thấy rất vui. Cho dù ai có nghĩ tôi là người như thế nào vì những gì tôi đã phải chịu trong quá khứ, nhưng tôi không quan tâm đến điều đó vì tôi có nhiều nạn nhân thương yêu tôi, và tôi cũng yêu thương họ. Họ là gia đình của tôi”.
Tại trung tâm AFESIP, Sina khuyến khích những bé gái đồng cảnh ngộ làm lại cuộc đời trong nhân phẩm và hy vọng. Sina tin rằng:
“Bước đầu tiên là đem tình thương đến cho họ. Họ cần sự âu yếm và tình thương bởi lẽ cuộc đời họ chưa từng có được tình thương”.
Thiên thần Sina Vann đang lao vào lửa hỏa ngục để giải cứu các thiên thần khác. Em nói thay cho những nạn nhân buôn người không có tiếng nói. Từng là một nạn nhân, Sina kêu gọi những nước phát triển như Hoa Kỳ hãy mạnh tay hơn trong việc chống buôn người, em cũng kêu gọi công an và các giới chức Việt Nam ở khu vực biên giới phải nghiêm khắc hơn, em cho rằng nếu họ hành động mạnh mẽ hơn thì tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em xuyên biên giới sẽ không xảy ra.
Em cũng mong các bậc cha mẹ hãy quan tâm và chăm sóc con cái, hãy lắng nghe tâm tư của các em và đặc biệt đừng bắt các em phải đi làm xa nhà để kiếm tiền, bởi cuộc sống xa nhà có rất nhiều cạm bẫy.
Và đương nhiên, hãy nhớ rằng trẻ em là để được yêu thương săn sóc chứ không phải dùng để bán đi làm nô lệ.
***
Ngày 13/10/2009, Sina Vann được mời đến Hoa Kỳ để nhận giải Frederick Douglass Award 2009 cùng với một phụ nữ khác đến từ Pakistan. Giải thưởng này vinh danh những cá nhân đã vượt qua được hoàn cảnh nô lệ và cống hiến cuộc đời tự do của họ để giúp đỡ các nạn nhân khác.
Với Nguyễn Thị Bích (tên Việt Nam của Sina Vann), ngày được trao tặng giải Freedom Awards, là lúc em cảm thấy tiếng nói của nạn nhân buôn người cuối cùng đã được lắng nghe:
“Nay tôi không còn là con bé Sina bị người ta hành hạ nữa, giờ đây Sina là một người chiến đấu.”
…
“Xin hãy cứu những nạn nhân của buôn người bất cứ lúc nào quý vị có thể giúp. Nếu quý vị không giúp thì chúng tôi, những nạn nhân, sẽ chết dưới tay những tội phạm buôn người. Tôi nói như vậy bởi tôi đã chết từ lúc đặt chân lên đất Cam Bốt.
“Sina Vann đứng trước quý vị bây giờ là Sina Vann lớn lên trong bạo hành, hận thù và đau đớn. Sina Vann còn tranh đấu được vì Sina Vann được tiếp thêm sức mạnh để đến với những kẻ bị hành hạ đau khổ như mình trước kia.”
Tiếp lời Sina, bà Laura Lederer, cựu giám đốc kế hoạch toàn cầu chống buôn người thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cho rằng:
“Nạn buôn người được nói đến từ lâu, và từ trường hợp của Sina Vann người ta có thể hỏi những kẻ có nhu cầu mua bán con người, những kẻ có khuynh hướng thích chung đụng, lạm dụng thiếu nhi là những ai để từ đó trừng trị bằng luật pháp”.
Bà Laura tin rằng nạn buôn người sẽ bị loại trừ qua sự hợp tác quốc tế, và điều đó đã bắt đầu được thực hiện một cách hiệu quả. Trước đây Hoa Kỳ có ba chính sách chống buôn người: Phòng ngừa, Bảo vệ và Khởi tố. Sau được nữ Ngoại Trưởng Hillary Clinton thêm vào bước thứ tư là: Liên kết.
Sau khi trao giải cho Sina Vann, nữ tài tử Demi Moore đã nhấn mạnh:
“Chúng ta không thể sống trong một thế giới mà nạn buôn người vẫn còn đang tồn tại”.
***
Đàng sau mỗi bé gái trong các nhà thổ ở Cam Bốt là một câu chuyện thương tâm.
Tôi chỉ có thể nói được một câu sau cuộc hành trình đi tìm hiểu sự thật về những bé gái bị bán làm nô lệ tình dục trên xứ Chùa Tháp: Có những thiên thần đang bị đày đọa trong địa ngục trần gian.
Tại sao tôi gọi những bé gái nạn nhân là thiên thần? Bởi vì chúng còn quá ngây thơ và trong trắng. Ngây thơ đủ để yêu thương cha mẹ vô điều kiện. Chúng không hiểu mình đang bị cái gì? Người ta đang làm gì mình? Tại sao họ làm như vậy? Và tại sao tôi gọi các nhà thổ ở Cam Bốt là địa ngục?
Gary Haugen, một luật sư người Mỹ, từng là điều tra viên của Liên Hiệp Quốc, từng chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng nhất khi người ta bắn giết nhau ở Rwanda, cho biết rằng ngay cả những điều khủng khiếp đó cũng không thể sánh được với những nạn nhân của tệ nạn buôn người thời hiện đại. Ông nói:
“Không có điều gì so sánh được với sự chết trong những đôi mắt của các đứa trẻ trong nhà thổ ở Cam Bốt. Ở Rwanda, nạn nhân chết là hết. Còn ở Cam Bốt, các nạn nhân đang sống trong nỗi chết”.
Gary Haugen, đang điều hành một tổ chức chống buôn người mang tên International Justice Mission (IJM), còn nói:
“Thế giới này hiếm có sự công bình. Sự thiếu công bình đó không phải xuất phát từ quyền lực của bọn ác, mà xuất phát từ sự sợ hãi và khuất phục, không dám lên tiếng tố cáo của các nạn nhân”.
Ông Haugen đã gởi các nhân viên của mình đến các nhà thổ ở Cam Bốt để âm thầm quay phim, thu thập bằng chứng gởi đến chính quyền Mỹ buộc họ phải có hành động đối với tệ nạn này, khi trong số những tên ấu dâm đó có cả người Mỹ. Tổ chức IJM đã cứu được hàng trăm, hàng ngàn trẻ em và phụ nữ trên khắp thế giới.
***
13 tuổi, một bé gái sau khi mẹ chết và các anh chị trong nhà rời gia đình để đi kiếm việc làm, em sống một mình với cha.
Em đã bị một người bà con hãm hiếp rồi sau đó cũng bị chính cha ruột của mình hiếp. Em bỏ đi đến tỉnh khác để sống với một người cô, nhưng sau khi người cô này biết em bị cưỡng hiếp đã đuổi em ra khỏi nhà không cho sống chung.
Đường cùng, bơ vơ, cô bé nhờ một tài xế chở qua Cam Bốt để tìm anh chị đang làm việc tại đó. Thay vì giúp em tìm người thân, gã tài xế này đã đem bán em vào một nhà thổ.
Lúc bị bán vào nhà thổ, em 14 tuổi và bị các chủ chứa hành hạ thậm tệ, họ thường đánh đập và dí điện vào người em. Mỗi khi từ chối tiếp khách, em bị chích ma túy vào người để không còn khả năng kháng cự. Có ngày, em phải tiếp đến hơn 10 khách khiến cho em có lúc đã bất tỉnh nhân sự vì máu đổ đầy người.
Một ngày kia, một khách làng chơi tỏ ra tử tế, bảo rằng muốn cưới em làm vợ. Hắn chuộc em ra rồi lừa bán qua biên giới cho một nhà thổ khác ở Thái Lan. Sau đó chúng bán em cho một thương gia Thái để phục vụ hắn như một nô lệ tình dục. Một bữa, em hỏi hắn cho ra chợ để mua ít đồ dùng, hắn cho đi nhưng với một thanh niên khác đi kèm. Ra chợ, em giả vờ bảo là đau bụng muốn tìm nhà vệ sinh, và rồi trốn thoát được.
Trở lại Cam Bốt, em gặp một người đàn ông và kết hôn, có một đứa con, nhưng lại bị bà mẹ chồng đuổi đi, và rồi anh chồng đã lấy ngay vợ khác. Sau đó em tìm được một công việc làm tại một xưởng may, nhưng chỉ một thời gian ngắn, xưởng may này phải đóng cửa vì không còn ai đặt hàng.
May mắn cho em chấm dứt bước đường luân lạc khi gặp được một phụ nữ cho biết về nhà tạm trú NGO ở Nam Vang đang giúp đỡ những người như em. Em tìm đến và sanh tại đây một cô con gái. Bà mẹ trẻ sống tại nhà tạm trú và học văn hóa cũng như học cải tiến thêm nghề may.
Tuy nhiên, sau khi học xong lại không tìm được việc làm vì bận bịu với đứa con còn quá nhỏ. Cán sự xã hội của NGO nhận thấy hoàn cảnh của hai mẹ con quá khó khăn và bơ vơ không nơi nương tựa, đã nhận em ở lại nhà tạm trú làm công việc quét dọn có lãnh lương. Ở lại đây, được sự khuyến khích của NGO, em có cơ hội học tiếng Anh, và học giỏi nhất lớp.
Trước kia, vì không được học hành nên gặp ai em cũng cả tin nên dễ bị lừa gạt. Nay thì em khá tự tin và nhiều hy vọng vào một tương lai sáng sủa cho con gái của mình.